Do nút giao Pháp Vân – vành đai 3 và nút giao Pháp Vân – Giải Phóng quá gần nhau (nút giao Pháp Vân) chỉ cách nhau 500m nên lượng xe tải từ cầu Thanh Trì và đường Pháp Vân ra vào trung tâm TP đều phải đi qua 2 nút giao này theo đường 70 (Văn Điển) nên ùn tắc tắc là khó tránh. Ngoài ra, do đường vào khu đô thị Linh Đàm mỗi ngày có hàng chục đoàn tàu chạy qua cũng thường xuyên gây ùn ứ.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã được nâng cấp, mở rộng, hiện đang thi công giai đoạn 2 thành 6 làn xe cơ giới, dự kiến đầu năm 2018 sẽ đưa vào khai thác. Nếu không nhanh chóng cải tạo, tình trạng ùn tắc sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Theo đó, sẽ tiếp tục mở rộng đường cua trái, cua phải để tăng lưu lượng phương tiện xe trên đường thoát nhanh hơn; kết nối tốt hơn giữa đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với quốc lộ 70 và đường vành đai 3 vì hiện nay phương tiện đi qua đường Giải Phóng về quốc lộ 70 là rất lớn.
Đặc biệt, cần phải xây dựng kết nối nút giao khác mức giữa quốc lộ 70 với đường vành đai 3 và tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ; phối hợp với Hà Nội xây dựng tuyến cầu vượt đường sắt tại nút Pháp Vân để ô tô thông qua vành đai 3 ở tầng 1 tốt hơn.
Theo phương án thiết kế trình Bộ GTVT, sẽ xây dựng nút giao nối đường cao tốc với quốc lộ 70 và đường vành đai 3 với tổng kinh phí dự kiến khoảng hơn 5.000 tỷ đồng. Đoạn nhánh nối từ cao tốc Pháp Vân với đường 70 dài hơn 2,6km (gồm cả cầu vượt nút giao), quy mô 8 làn xe (4 làn xe cơ giới, 4 làn hỗn hợp) có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.750 tỷ đồng. Đoạn từ cao tốc Pháp Vân nối đường vành đai 3 dài 2,1km với tổng mức đầu tư 1.560 tỷ đồng với mặt đường rộng 50m, 8 làn xe.
Bộ GTVT đang đề xuất làm 2,1km từ cao tốc Pháp Vân nối đường vành đai 3. Còn đoạn từ quốc lộ 70 nối cao tốc Pháp Vân Hà Nội sẽ giao Bitexco làm theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Cùng với đó, sẽ bổ sung đường kết nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai (vành đai 2,5) với kinh phí đầu tư dự kiến hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB khoảng gần 1.074 tỷ đồng.